Bí quyết tặng quà chuẩn văn hóa cho người châu Á
- Lam Lieu
- 8 thg 4
- 4 phút đọc
Việc tặng quà không đơn thuần là hành động trao đi một món đồ, mà còn là cách bạn thể hiện sự quan tâm, tôn trọng và thấu hiểu văn hóa của người nhận. Đặc biệt ở các quốc gia châu Á – nơi đề cao giá trị truyền thống và lễ nghi – việc tặng quà đúng cách không chỉ thể hiện thành ý mà còn giúp bạn tránh được những tình huống hiểu lầm không đáng có.
Vậy tặng quà cho người châu Á nên tránh điều gì? Cùng khám phá những lưu ý quan trọng theo từng quốc gia ngay dưới đây để chọn món quà phù hợp và ghi điểm tuyệt đối!
Tặng quà cho người Ấn Độ: Hãy dùng tay phải và chọn số lẻ
Khi tặng quà cho người Ấn Độ, tuyệt đối không dùng tay trái để trao quà. Với người Ấn, tay trái bị xem là “không sạch sẽ” vì thường dùng trong sinh hoạt cá nhân. Đưa hoặc nhận quà bằng tay phải là cách bạn thể hiện sự tôn trọng và thành ý.
Một điểm đặc biệt nữa: nếu bạn tặng tiền như một món quà, hãy tặng số lẻ. Số lẻ như 101, 201, 1001… mang ý nghĩa “mở đầu mới”, chúc người nhận sự sinh sôi, thịnh vượng.

Tặng quà cho người Trung Quốc: Kiêng số 4, tránh nón xanh và đồng hồ để bàn
Tặng quà cho người Trung Quốc yêu cầu bạn hiểu rất rõ về biểu tượng và phát âm.
Số 4 phát âm gần giống chữ “tử” (chết) → tránh tặng các món quà có số lượng là 4 hoặc mệnh giá tiền kết thúc bằng 4.
Số 8 phát âm giống từ “phát” → được xem là con số may mắn nên rất được ưa chuộng.
Khi tặng tiền lì xì, cần sử dụng tiền giấy mới và không tặng tiền xu.
Một lưu ý đặc biệt: Không tặng nón màu xanh lá cho nam giới đã kết hôn. Theo quan niệm dân gian Trung Quốc, “đội nón xanh” ám chỉ người đàn ông bị phản bội.
Cuối cùng, hãy tránh tặng đồng hồ để bàn. Cách phát âm từ “đồng hồ” dễ liên tưởng đến cái chết, mang lại cảm giác u ám và xui xẻo.

Tặng quà cho người Hàn Quốc: Không viết bằng mực đỏ
Người Hàn Quốc rất kiêng kỵ màu mực đỏ, vì đó là màu sắc dùng để ghi tên người đã khuất trên bia mộ hoặc đèn lồng tang lễ. Nếu bạn định viết thiệp hoặc gửi lời chúc, tuyệt đối không dùng mực đỏ nếu không muốn gây ra sự sợ hãi hoặc hiểu nhầm không đáng có.
Tặng quà cho người Nhật Bản: Nên chú trọng cách gói và chọn hoa phù hợp
Ở Nhật, cách gói quà quan trọng hơn chính món quà. Một món quà được gói cẩn thận cho thấy bạn đã bỏ thời gian và tâm huyết – điều này đặc biệt được người Nhật đánh giá cao.
Khi tặng hoa, hãy tránh các loại như hoa sen, hoa ly, hoa cẩm chướng nở to, vì chúng liên quan đến tang lễ.
Ngoài ra, nếu bạn đi công tác hoặc du lịch và quay về, đừng quên mang theo quà omiyage – những món quà nhỏ để tặng đồng nghiệp hoặc người thân. Omiyage không chỉ là quà mà còn là sự xin lỗi vì sự vắng mặt của bạn.

Tặng quà cho người Thái Lan: Chọn quà có 9 món và không yêu cầu mở quà ngay
Ở Thái, số 9 được xem là con số may mắn, tượng trưng cho sự phát triển và “tiến về phía trước”. Vì vậy, bạn sẽ thường thấy các set quà 9 món trong các dịp tặng quà lễ tết.
Một điểm cần lưu ý: người Thái không mở quà trước mặt người tặng. Đây không phải là thiếu tôn trọng, mà ngược lại là biểu hiện của sự lịch thiệp.
Tặng quà cho người Singapore: Tránh khăn tay
Dù khăn tay trông nhỏ gọn và tiện lợi, nhưng ở Singapore, khăn tay tượng trưng cho nước mắt và nỗi buồn. Nếu không muốn món quà mang hàm ý chia ly hay tang tóc, bạn nên tránh tặng khăn tay trong bất kỳ dịp nào.
Tặng quà cho người châu Á: Hiểu văn hóa là chìa khóa
Dù là tặng quà sinh nhật, quà cưới, hay quà lưu niệm khi đi xa, điều quan trọng không nằm ở giá trị món quà, mà là cách bạn trao tặng nó. Khi hiểu rõ văn hóa tặng quà của người châu Á, bạn không chỉ gửi đi một món quà mà còn thể hiện được sự tinh tế, nhạy cảm và chân thành.
Theo phunuonline.com.vn - Lucky Qi tổng hợp